Vietstock - Điều gì khiến dân Australia bị chia rẽ quan điểm về kinh tế như thời điểm hiện tại?
Các công ty và người tiêu dùng Australia chưa bao giờ bị chia rẽ trong cách đánh giá về nền kinh tế của đất nước mình như bây giờ, Bloomberg cho hay.
Niềm tin của doanh nghiệp đang tăng nhanh và các điều kiện – như tình trạng tuyển dụng, doanh số và lợi nhuận – đã đạt mức cao nhất thời kỳ hậu khủng hoảng 2008. Tuy nhiên, tâm lý người tiêu dùng hiện vẫn không được cải thiện. Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy đây là tháng thứ 8 liên tiếp số người bi quan nhiều hơn số người lạc quan vì những hộ gia đình “mắc nợ đầm đìa” hiện phải vật lộn với mức lương ì ạch để tồn tại.
Hiếm khi được đề cập trong số các giải thích cho điều trên là đồng AUD: cách đây 5 năm, đồng tiền mạnh này là một may mắn cho người tiêu dùng khi có thể mua hàng hóa rẻ từ nước ngoài. Sự mất giá 25% của đồng tiền này kể từ thời điểm đó là điều có lợi cho các công ty xuất khẩu nhưng không phải cho tất cả mọi người. Ngoài ra, trong khi giá cả hàng hóa tăng suốt 12 tháng qua, khiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng thì hầu như không đồng nào trong số đó đến được tay người lao động.
“Sự khác biệt giữa niềm tin doanh nghiệp và người tiêu dùng thật sự chỉ đang phản ánh sự chênh lệch trong chuyện thu nhập đang chảy đi đâu”, Gareth Aird, chuyên gia kinh tế cấp cao tại ngân hàng Commonwealth của Australia nói, đồng thời lưu ý rằng lãi suất thấp cũng có góp phần trong vấn đề này. “Nhưng khi bạn nhìn vào những điều có liên quan tới người tiêu dùng – như tiền lương, tỷ lệ lao động khiếm dụng/lao động thiếu việc làm và nhiều điều khác – thì không có gì là ngạc nhiên khi niềm tin người tiêu dùng hiện rất yếu”.
Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) dự báo sẽ có một sự cải thiện dần trong tiền lương từ tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục hiện tại – và các quan chức ở đây đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi tiền lương hiện không đang tăng nhanh hơn nếu xét theo phản ứng lịch sử của chúng đối với mức thất nghiệp 5.5%. Sự khác biệt ở đây tỷ lệ lao động khiếm dụng (underemployment rate) đang quanh quẩn gần mức cao kỷ lục, và tỷ lệ người được sử dụng chưa đúng mức (underutilization rate) – nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động khiếm dụng/lao động thiếu việc làm – là gần với mức cao nhất của quốc gia này kể từ những năm cuối thập kỷ 1990.
Tháng trước, Thống đốc Philip Lowe của RBA đã hối thúc người lao động yêu cầu các sếp tăng lương cho mình. Theo quan điểm của ông, nước Australia hiện ở tình trạng tương tự với những quốc gia phát triển khác, nơi mà người lao động hiện lo lắng về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ nguồn lao động rẻ hơn ở nước ngoài và sự tự động hóa, trong đó có cả các robot.
Aird cảnh báo rằng, nếu các nhà làm chính sách tập trung quá nhiều vào tỷ lệ thất nghiệp và không đủ sự tập trung dành cho tỷ lệ lao động khiếm dụng và tỷ lệ người được sử dụng chưa đúng mức, thì kết quả là họ sẽ phóng đại quá mức về sức mạnh của thị trường lao động. Ông lưu ý rằng tỷ lệ thất nghiệp của Australia đã cao hơn Mỹ, Anh, và Nhật Bản kể từ giữa năm 2014.
Mặc dù tăng trưởng dân số khoảng 1.5% đã củng cố tăng trưởng kinh tế Australia suốt 26 năm qua. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ các dữ liệu, nền kinh tế này chỉ tăng trưởng ở mức 0.2%, tính theo thu nhập bình quân đầu người đến hết quý 1 năm nay.
Suốt 5 năm qua Australia đã trải qua một sự chuyển tiếp kinh tế sang dịch vụ, sản xuất và tránh xa khai thác mỏ, và RBA đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 1.5% nhằm giảm bớt tác động của sự chuyển đổi này. Dù điều đó đã gây ra một sự bùng nổ trong việc xây dựng nhà ở, giúp các cựu công nhân khai thác mỏ có nơi trú ngụ, nhưng nó cũng khiến cho giá bất động sản ở Sydney và Melbourne tăng vọt. Kết quả là nợ hộ gia đình tăng vọt lên mức kỷ lục: bằng với 190% thu nhập.
Vì các hộ gia đình trở nên túng quẫn bởi mức nợ cao và tăng trưởng tiền lương yếu, nên họ phải tiết kiệm, khiến cho sức tiêu dùng giảm phân nửa so với kể từ năm 2013 đến nay, chỉ còn 4.7%.
Kết quả tâm lý người tiêu dùng trong tháng 7 do Westpac Banking Corp đo được là 96.6, và dưới 100 nghĩa là số người bi quan là nhiều hơn số người lạc quan.